Mô tả Vườn_treo_Babylon

Vườn treo của Semiramis bởi H. Waldeck

Có năm tác giả chính mà những ghi chép về Vườn treo còn tồn tại cho đến ngày nay. Những tác giả này tập trung vào kích thước, thiết kế tổng quan, hệ thống thủy lợi, và mục đích xây dựng của khu vườn.

Josephus (khoảng 37–100 CN) dẫn lại mô tả về Vườn treo từ tác phẩm của Berossus, một tu sĩ đền thần Marduk người Babylon,[6] viết khoảng năm 290 TCN, là tài liệu cổ nhất từng được biết tới có đề cập tới Vườn treo.[5] Berossus viết về triều đại của Nebuchadnezzar II và là người duy nhất ghi lại rằng vị vua này là người xây dựng vườn treo.[12][13]

Bên trong cung điện ông cho xây những bức tường lớn, chống bằng cột đá; và trồng một khu vườn gọi là Vườn địa đàng, trang trí bằng đủ các loại cây, từ đó tái hiện lại hình ảnh một chốn đồng quê vùng núi. Ông làm điều này cho vợ mình, vì bà lớn lên ở Media, và yêu cảnh núi rừng sâu sắc.[14]

Diodorus Siculus (60–30 TCN) có vẻ như đã tham khảo các ghi chép vào thế kỷ thứ 4 TCN của cả hai tác giả Cleitarchus (một nhà sử học của Alexander Đại đế) và Ctesias of Cnidus. Diodorus cho là Vườn treo được xây bởi một ông vua Syria. Ông chỉ ra khu vườn có hình vuông, với mỗi bên dài khoảng bốn plethron (xấp xỉ 120m), được thiết kế theo dạng bậc thang, với tầng trên cùng cao 50 cubit (khoảng 25m). Những bức tường, dày 22 feet (6.7m), được xây bằng gạch. Nền của những bậc thang đủ sâu để chứa rễ của những cây lớn nhất, và khu vườn được dẫn nước tưới từ sông Euphrates gần đó.[15]

Quintus Curtius Rufus (thế kỷ 1 CN) được cho là đã dẫn từ cùng nguồn với Diodorus.[16] Ông cho rằng khu vườn nằm trên đỉnh của một khu thành cổ có chu vi 20 stadion. Ông gắn khu vườn cho một vị vua Syria, cũng cùng lí do xây tặng người vợ nhớ quê hương.

Tài liệu ghi chép của Strabo (64 TCN – 21 CN) có thể là dựa trên tài liệu đã mất của Onesicritus từ thế kỷ 4 TCN.[17] Ông cho rằng khu vườn được tưới tiêu bởi hệ thống máy bơm đinh vít dẫn nước lên từ sông Euphrates.

Nguồn tài liệu cổ điển cuối cùng được cho là độc lập với các nguồn tài liệu khác, Sổ tay Bảy kì quan Thế giới bởi Philo của Byzantium (được viết vào thế kỷ thứ 4 đến thứ 5 CN; không cùng một người với Philo của Byzantium, sống vào khoảng 280 TCN – 220 TCN).[18] Kỹ thuật dẫn nước lên bằng bơm đinh vít được miêu tả bởi Strabo.[19] Philo ca ngợi kỹ thuật xây dựng khu vườn với một khối lượng lớn đất trồng nằm ở trên cao so với nền đất xung quanh, cùng với kỹ thuật tưới tiêu.